NHỮNG ẤN TƯỢNG VỀ MÀU SẮC TRONG CUỘC SỐNG VÀ THIẾT KẾ
Từ hàng ngàn năm trước khi những nền văn minh vùng Địa Trung Hải xây dựng những thành phố như Athen hay Roma, thiết kế cảnh quan đã được thực hiện và để lại tới ngày hôm nay những quảng trường và không gian công cộng vẫn còn đủ sức hấp dẫn thế giới hiện đại về sự hoành tráng, vẻ đẹp và cảm xúc mà chúng mang lại. Khi còn nhỏ tôi không biết đến thiết kế cảnh quan là gì, nhưng mỗi lần nhìn ngắm những công trình kiến trúc cổ, đi thăm quan những thành phố cổ vào kì nghỉ hè, ghé về thăm vùng quê cùng gia đình mỗi dịp gần Tết , mỗi chuyến đi đó luôn cho tôi ấn tượng đầu tiên là về gam màu, màu vàng nâu và vàng tro. Sau này tôi cũng bắt lại nhịp cảm xúc này khi đi đến những khu phố cổ ở Viêt Nam, phố cổ Hội An với sắc vàng sậm màu, tường rêu ngói đỏ nâu. Còn Hà Nội thì lại nhiều hơn vẻ rêu phong cũ kĩ, vẫn tường vàng mái ngói đỏ phai. Những dấu ấn mang tên “mất đi và còn lại”. Trong thiết kế cảnh quan màu sắc đóng vai trò quan trọng trong việc chi phối cảm xúc của đối tượng cảm thụ. Mắt chúng ta nhận ra được 6 màu chính là trắng, xanh lam, xanh lục, vàng, đỏ và đen. Nhưng bộ não lại hiểu chúng khác nhau tùy theo thời kỳ và dân tộc.
Màu sắc trong quá trình phát triển của nó trải qua nhiều thời kì, vận động và biến đổi theo lịch sử. Mỗi một màu sắc trong từng thời kì phát triển lại được ưu chuộng và áp dụng vô thiết kế khác nhau. Màu đơn sắc hay pha trộn nhiều màu sắc góp phần tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc trong thiết kế.
1. Màu đỏ
Màu đỏ là màu được phát hiện sớm nhất, được đưa vào nhiều trong thiết kế kiến trúc, nội thất, trang trí cảnh quan sân vườn từ thời các để chế cổ đại. Cho đến đầu thời kỳ La Mã, nhuộm vải chủ yếu là nhuộm trong gam màu đỏ: từ hồng nhạt đến đỏ tía. Người ta dùng loại cây thiến và vỏ sò ốc để màu có thể chịu được ánh nắng, nước….Nhiều ngàn năm trước công nguyên, những thợ nhuộm ở vùng đông Địa Trung Hải đã sử dụng nhiều loại vỏ sò ốc cho ra màu sắc đa dạng, có nét lóng lánh từ đỏ đến đen, qua xanh và tím. Rất khó đoán trước, các màu đó không ngừng biến hóa một khi đã ăn lên vải. Đó là trường hợp của màu đỏ tía, màu rất được ưa chuộng quanh vùng Địa Trung Hải ở thời cổ đại và đã trở thành màu đế vương ở Rome. Ta thấy màu này nhiều trong họa tiết thảm trang trí sàn các cung điện, vật dụng trang trí trong thiết kế kiến trúc.
Nối tiếp các đại đế La Mã, tất cả các vị vua châu Âu đều tự ban đặc quyền sống trong màu đỏ. Nhưng từ thế kỷ 13, họ lại thích màu đỏ rực, được lấy từ một nguyên liệu mới rất thịnh hành: khoáng lapis – lazuli. Ngược lại, các hoàng tử Italy vẫn trung thành với màu đỏ, giống như Đức Giáo hoàng. Huy hiệu của những gia tộc trị vì chuyển từ màu đỏ sang màu xanh. Chỉ có hoàng đế Đức là luôn giữ màu đỏ như màu biểu trưng. Mới đầu màu đỏ được xem là quý hiếm, chỉ dành cho giới quý tộc vì giá rất đắt, nhưng cuối cùng cũng xuất hiện trong mọi dịp trọng đại như hội hè hay lễ cưới.
Cho đến thế kỷ 18, đó là màu ổn định, rực rỡ nhất, biến cách nhiều nhất trong cách nhuộm, do vậy cũng được ưa chuộng hơn cả. Cuộc cách mạng Pháp đã biến màu xanh thành màu của binh lính. Nhưng sự kinh doanh màu chàm lại nằm trong tay của kẻ thù là quân Anh; vì thế vua Charles X cho quân đội mặc đồ đỏ vào năm 1829. Đẹp nhưng quá nổi bật, đồng phục đỏ là đặc trưng của quân đội cho đến năm 1915, có lẽ là nguyên nhân gây ra số tử vong quá mức cho quân đội Pháp vào đầu thế chiến thứ nhất. Chết vì quá “đỏ” !
Màu đỏ có bước sóng ngắn nhất đến mắt người nhìn, do đó trong thiết kế màu đỏ thường dùng để làm điểm nhấn. Trong thiết kế cảnh quan, màu đỏ thường được bố cục ở vị trí trung tâm , quy tụ điểm nhìn về vùng trọng tâm. Điểm nhấn cảnh quan có thể là công trình kiến trúc, điểm nhấn hay biểu tượng, cột mốc đô thị và hẳn nhiên sẽ hiệu quả hơn về mặt thì giắc khi chúng sơn màu đỏ. Nhiều khi tôi nghĩ trong một vài trường hợp ngược lại, người ta lại tô đỏ hết vùng phụ và nhả trống mảng, miếng, công trình cần nhấn. Khi đó ta sẽ có một mảng nền vô cùng mạnh về thì giác. Thử tưởng tượng một tòa lâu đài đặt trên một thảm hoa hồng, lay ơn, tu líp đỏ sẽ cho cảm xúc mạnh mẽ hơn nhiều khi trên nền những màu khác. Nếu tôi thay tòa lâu đài bằng một ngôi nhà gỗ hay một cái lều thì hiệu quả thị giác vẫn không thay đổi. Tùy theo từng mục đích mà sử dụng màu sắc hiệu quả để lôi cuốn và thu hút hơn trong thiết kế cảnh quan.
Một trong những không gian thiết kế cảnh quan ấn tượng phải nói đến quảng trường Đỏ hay Hồng trường là tên gọi của quảng trường nối tiếng nhất tại Moskva. Quảng trường này tách điện Kremli (nằm ở phía tây quảng trường này), thành lũy của hoàng gia trước đây và hiện là nơi sống và làm việc chính thức của tổng thống Nga ra khỏi khu vực thương mại trong lịch sử là Kitay-gorod cũng như GUM ở phía đông. Do các đường phố chính của Moskva tỏa ra từ khu vực này theo các hướng để trở thành các đường quốc lộ chính bên ngoài thành phố, nên quảng trường Đỏ thường được coi là quảng trường trung tâm của Moskva và của toàn Nga.
Trong hình dung của các bạn chắc nó phải đỏ lòm, hoặc từng diễn ra một cuộc đổ máu thời chiến tranh. Nhưng thực tế Đỏ chỉ là tên gọi, và để củng cố cho tên gọi này thì các công trình xung quanh cũng “đỏ” không ít thì…toàn bộ như Viện bảo tàng lịch sử, nhà thờ Đức mẹ Kazan hay lăng Lênin.
2. Màu xanh dương
Màu xanh dương gợi đến nền văn minh phương Tây. Người châu Âu, đặc biệt là người Pháp , Mỹ, Canada. Astralia, New Zealand thích màu xanh.Điều này cũng giải thích vì sao trong thiết kế của họ màu xanh dương được ưa chuộng.Màu xanh dương được đưa vào khai thác các yếu tố về mặt nước, bầu trời. Có khi nào do mắt họ màu xanh vì thế họ thích màu xanh – thực tế thì màu mắt chẳng có sự ảnh hưởng này. Người La Mã thì lại ghét màu xanh dương, đến nỗi trong từ điển ngôn của họ không có màu này, từ để chỉ màu này phải vay mượn từ những tiếng khác như tiếng Đức, Ả Rập.
Màu xanh dương là màu ít được dùng, nó được tạo nên từ cây cải, dễ phai màu và bị cho là rẻ tiền, màu của sự “nghèo”. Nhưng khi trở thành màu của Chúa, nó hấp dẫn cả những vị vua, khởi đầu là Saint Louis. Màu xanh trở thành màu của vua Pháp, rồi đến vua Anh, kế đó là những vị vua khác ở châu Âu.Họ còn tưởng tượng rằng máu của họ cũng có màu xanh, thời còn thích siêu nhân tôi cũng nghĩ máu của mình màu xanh. Thế là màu xanh dần thay thế cho màu đỏ. Màu xanh là màu của nam giới, còn đỏ là phái yếu. Màu xanh thời trung cổ rất rực rỡ nên được xem là màu nóng.
Chỉ từ thế kỷ 17, nó là màu lạnh vì thường được dùng để chỉ biển cả và nước mà trước đây được mô tả là xanh lục hay xám. Trong thiết kế cảnh quan màu xanh tạo nên sự lặng lại của không gian khi khai thác yếu tố mặt nước tĩnh. Trở nên sinh động hơn khi khai thác các yếu tố mặt nước động. Màu xanh còn dung để làm vật trang trí tầm thấp và các thiết bị phụ trợ. Trong thiết kế hiện đại mặt nước được khai thác nhiều để điều hòa không gian và khắc phục khí hậu ở một số vùng khắc nghiệt. Nó còn là màu của bóng đêm.
Khái niệm thành phố xanh thường người ta sẽ nghĩ đến một thành phố ngập tràn cây xanh nhưng ở đây tôi giới thiệu một thành phố xanh theo nghĩa rất “blue”. Thành phố Jodhpur của Ấn Độ với những mảng tường sơn màu xanh dương. Nhìn thật mát mẻ! Điều này góp phần nào cho cảm giác những ngày nắng như thiêu đỡ ngột ngạt.
3. Màu xanh lục
Màu xanh lục được gọi là màu của môi trường, nó cũng là màu đại diện cho cảnh quan. Nhắc đến thiết kế cảnh quan, quy hoạch cảnh quan, cái gì có từ cảnh quan là người ta nghĩ ngay đến màu xanh lục. Màu xanh lục là màu của thực vật – thứ góp phần to lớn tạo nên thiên nhiên. Có lẽ vì đó là màu không ổn định trong ngành nhuộm nên từ lâu màu xanh lục luôn được liên kết với sự ngẫu nhiên, số phận, may rủi. Đó là màu của sự không lâu bền, tuổi trẻ, may mắn, hy vọng…. Và nếu nó mang lại điềm gở cho các diễn viên, nếu ngọc lục bảo được ít người mua nhất trong các loại ngọc quý, màu xanh lục lại là điềm may cho giới cờ bạc, do vậy mọi bàn cờ bạc đều được trải thảm xanh lục.
Thời Trung cổ, xanh lục gắn kết với mùa xuân, nhựa cây, tuổi trẻ và tình dục. Từ đó người ta gán ghép nó với ý nghĩ nổi loạn, chống lại trật tự, đạo đức. Màu xanh góp phần làm dịu tinh thần, mở ra sự tươi mới và dẫn đến sự hồi sinh, bởi vậy màu xanh còn đại diện cho sức sống và tuổi trẻ.
Trong thiết kế cảnh quan , ta thấy màu xanh lục chiếm tỉ lệ lớn. Màu của cây xanh, thảm cỏ, sông ngòi, … Ngày nay khi môi trường sống ngày càng có nguy cơ bị phá hủy, ngành thiết kế cảnh quan được quan tâm đến nhiều hơn. Con người dần ý thức được tầm quan trọng của tự nhiên, biết cách làm đẹp và khai thác thiên nhiên một cách hiệu quả.
4. Màu vàng
Màu vàng ít được ưa chuộng, có lẽ vì thế người ta chỉ dùng màu vàng khi có chủ đích nhất định. Màu vàng là màu của kim loại, màu của tiền vàng hay đồng. Màu của năng lượng và sự giàu sang. Vào thời trung cổ, kết hợp với màu lục, nó biểu hiện sự điên rồ, thái quá. Lũ hề của vua mặt đồ vàng và lục, với vai trò là tấm gương phản chiếu các điều cấm kỵ, tập trung mọi lời chế giễu, khinh miệt. Hiện nay màu vàng gợi ra nỗi buồn man mác: lá mùa thu, thư hay ảnh úa màu vì thời gian. Những rừng phong với sắc lá vàng pha đỏ làm nên một bức tranh thu đặc trưng của Nhật Bản. Những vườn mai vàng rực khi tết đến ở Sài Gòn. Trong thiết kế cảnh quan, màu vàng nếu dùng để pha trộn với những màu khác, khi đứng riêng biệc nó phải có một vai trò đặc biệt vì tính chất “chói chang” của nó.
5. Màu đen
Màu này chạm đến sự sâu thẳm, đại diện cho bóng tối. Màu đen không phản xạ lại ánh sáng vì thế nó thường hiệu quả khi đươc làm nền hoặc được thứ khác làm nền cho nó. Màu đen đối kháng với màu vàng, đỏ và xanh lục, trong thiết kế người ta dùng cách này tạo nên sự tương phản mạnh về màu sắc. Nhuộm được màu đen đậm và bền rất phức tạp và khó khăn, kể cả hiện nay. Màu đen thực sự chỉ dành cho người giàu sang. Như vậy, người ta đã biến một biểu tượng khiêm tốn và đạm bạc thành thanh lịch và sang quý.
Ở thời hiện đại màu đen đã được dùng nhiều hơn trong thiết kế, nhiều khi là ưa chuộng và xu hướng, vì nó mang lại cảm giác mạnh và sự tập trung. Mặc dù thời trung cổ màu đen bị kì thị, người ta gọi mọi thứ chết chóc mang tên màu đen. Chắc vì thế mà “ Biển đen “ nó có đen đâu mà vẫn bị gọi là đen.
6. Màu trắng
Trong thiết kế cảnh quan, màu trắng đại diện cho sự tinh khôi và trong trẻo.Theo định nghĩa, màu trắng tương ứng với những gì không vấy bẩn, không ô uế, dù là của cơ thể hay tâm hồn. Chính vì thế, ngay từ thời cổ đại màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, ngây thơ, trinh trắng, các phẩm chất của thể xác và tâm hồn. Màu trắng còn đồng nghĩa với sự hòa giải, hòa bình, trung lập. Các quảng trường hòa bình, tượng nữ thần Tự do được để màu trắng. Vào thế kỷ 9, màu trắng trở thành màu áo của cô dâu phương Tây với hàm ý trinh trắng và tinh khiết theo đạo đức trưởng giả. Những sân vườn trong các nhà thờ thường sử dụng thiết bị phụ trợ màu trắng, vòng hoa, không gian lễ cưới thường được trang trí màu trắng. Thời đại thực dụng của chúng ta kết hợp màu trắng với sự sạch sẽ, lạnh lẽo và vệ sinh.
Màu sắc cũng biết vui biết buồn. Những gam trầm đem lại cảm giác trầm lắng tạo nên những không gian tĩnh, lạnh và lắng lại trong cảm xúc. Những gam màu nóng làm cho không gian sôi động và rực rỡ. Đôi khi màu sắc cũng gắn với thời gian, không gian và mùa. Mùa hè rực lửa. Mùa đông lạnh lẽ. Mùa thu lá đỏ. Mùa hạ vàng. Có điều chắc “đêm trắng “ không trong khái niệm này. Ngoài việc bố cục và sắp đặt thì việc sử dụng màu sắc hiệu quả sẽ nhấn nhá làm nổi bật được ý tưởng của tác giả.
Trong kiến trúc công trình màu trắng được sử dụng khá nhiều ở Phương Tây. Công trình nổi tiếng là “trắng” theo cả nghĩa đen, nghĩa bóng và một vài nghĩa xanh đỏ khác phải kể đến là Nhà Trắng. Nhà Trắng là nơi ở chính thức và là nơi làm việc chính của Tổng thốngHoa Kỳ. Nhà Trắng là một biệt thự sơn màu trắng và được xây bằng sa thạch theo kiểu tân cổ điển, số nhà 1600 Đại lộ Pennsylvania NW tại Washington, D.C..