Click me!

Kỹ thuật trồng và chăm sóc loài hoa hồng…

Hoa hồng được mệnh danh là nữ hoàng của các loài hoa với hương sắc quyến rũ và mang nhiều ý nghĩa tươi đẹp. Vậy thì cách trồng hoa hồng có khó không? Cách chăm sóc hoa hồng như thế nào là đúng để cho ra hoa quanh năm? Kỹ thuật trồng hoa hồng cần lưu ý gì? Hãy cùng tôi tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé!

Không chỉ mang trong mình vẻ đẹp kiêu sa, làm say đắm biết bao người yêu cái đẹp. Hoa hồng còn là biểu tượng của tình yêu, là sự vĩnh cửu của vẻ đẹp tâm hồn. Nên rất được rất nhiều người, từ trẻ – già, trai – gái đều mê trồng loài hoa này.

Cây hoa hồng có tên khoa học Rosa spp., thuộc họ Rosaceae. Hoa hồng có nguồn gốc từ Trung Quốc sau đó lan đến Ấn Độ và châu Âu. Cũng có giả thuyết cho rằng hoa hồng xuất phát từ Ai Cập, La Mã.

Ở nước ta hoa hồng được du nhập từ Trung Quốc vào miền Bắc trước, sau đó mới vào Đà Lạt và các tỉnh phía Nam. Hiện nay, Đà Lạt được xem như là vùng đất lý tưởng cho cây hoa hồng phát triển.

( Ảnh minh họa)

Đặc điểm

Là loài cây bụi thân gỗ, lá kép hình lông chim có 3- 7 lá phụ nhẵn, mép là khía răng cưa.

Hoa lớn, mọc đơn độc hoặc mọc thành chùm ở đầu cành, hoa kép có nhiều vòng cánh, màu sắc đa dạng.

Nhiệt độ thích hợp cho cây phát triển là từ 18- 25 độ C.

Kỹ thuật trồng hoa hồng trong chậu

( Ảnh minh họa)

  • Chọn cây giống để trồng

Chọn cây mập, khỏe, nhiều tán lá cân bằng, thân thẳng không có mấu lồi, không có dấu hiệu của sâu bệnh. Rễ cây phải phát triển đều khắp chậu, nên loại bỏ những cây bị rễ xoắn hoặc bó lại quanh chậu vì có thể cây bị thiếu hụt chất dinh dưỡng hoặc bị các tổn thương khác do ở trong chậu quá lâu.

  • Đất trồng

Nơi trồng hoa hồng nên trảng nắng, thông thoáng, nhưng tương đối kín gió. Đất trồng phải màu mỡ, tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng, có thể lẫn sỏi, giữ ẩm nhưng thoát nước tốt.

( Ảnh minh họa)

Để có được loại đất trồng này, người trồng có thể mua đất sẵn hoặc cũng có thể trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, xơ dừa, than bùn, vỏ trấu, mùn hữu cơ,… Không quên xử lý mầm bệnh trong đất bằng biện pháp bón lót với vôi, phơi ải trước từ 7 – 10 ngày.

  • Kỹ thuật trồng

Chọn chậu có chiều sâu ít nhất 30- 45cm cho cây bụi lùn và 23- 25cm cho cây nhỏ. Đặt dưới đáy chậu 1 mảnh lưới hay màng mỏng và phía trên là lớp đất mặt phủ cỏ úp ngược xuống, để ngăn ngừa đất trôi đi khi tưới nước. Sau đó nhẹ nhàng tách bỏ bầu đất của cây giống. Đặt bầu cây vào chậu đã chuẩn bị sau đó phủ kín đất vào gốc. Nhẹ nhàng ấn phần đất quanh gốc để giữ cây sau đó tưới ướt nước.

( Ảnh minh họa)

Chăm sóc

Để cây hoa hồng có thể phát triển mạnh, đầy sức sống, thì cần thường xuyên chăm sóc: bón phân ( cung cấp chất dinh dưỡng, lớp mùn phủ bề mặt…), tưới nước, nhổ cỏ dại,…

  • Tưới nước

Cây trồng chậu cần được tưới nước hằng ngày thường xuyên để giữ đất luôn ẩm mát. Nguồn nước tưới phải đầy đủ và không bị nhiễm phèn, nhiễm mặn.

  • Bón phân

Hoa hồng thích hợp với phân NPK và cả DAP các loại phân có hàm lượng lân cao. Có hai cách để bón: một là rải quanh gốc hồng nhưng phải cách xa gốc hồng khoảng 10cm, chừng một muỗng cà phê phân cho một gốc là vừa. Và độ vài tháng mới rải phân một lần như vậy. Cách thứ hai là dùng một muỗng canh phân DAP hoặc NPK ngâm trong 10 lít nước lã rồi tưới cho cây, mỗi lần tưới chỉ một lượng phân ít, nên vài ba ngày nên tưới một lần, và tưới chừng vài tuần liên tiếp mới cho kết quả tốt.

  • Tỉa cành, lá, tỉa nụ

Cây hoa hồng khi đã bén rễ thì phát triển nhanh. Muốn có bộ tán lá gọn đẹp thì phải thường xuyên cắt bỏ bớt những cành mọc rườm rà, hoặc những cành quá yếu ớt. Những cành bị sâu, bị khô héo thì nên cắt bỏ hẳn phần khô héo đó và giữ lại phần cành còn tươi. Nên dùng dao sắc hoặc kéo bén để cắt cho ngọt, tránh để vết cắt bị dập, vì ở đó sẽ đâm tược non.

( Ảnh minh họa)

Cây hồng có khuynh hướng ngả về phía có ánh sáng nhiều (quang hướng động thuận), như cây trồng trên lan can lầu, những cành nào tiếp giáp ngoài nắng thì không những phát triển nhanh mà còn ra hoa nhiều. Ngược lại các cành nằm trong tối thì phát triển chậm. Vì vậy muốn cho cây hồng này có bộ tán đẹp thì vài tuần một lần ta nên xoay chậu nửa vòng, sao cho những cành phát triển chậm sẽ hướng ra ngoài…

Cây hoa hồng cũng có hiện tượng vàng lá, thường xảy ra trong mùa mưa. Đây là những lá già hoặc bị sâu bệnh phá hại, cần phải lặt bỏ hết. Cách lặt lá hồng cũng như cách lặt lá mai; một tay cầm chặt cành hồng, tay kia cầm chiếc lá vàng đẩy ngược ra sau, như vậy lá sẽ rời cành dễ dàng mà phẩn vỏ cành không bị xước, chỗ lá rụng sau này sẽ mọc lên chồi mới, phát triển nhanh.

Cắt bỏ nụ hoa: Cây hồng nẩy nở nhiều hoa chỉ trong trường hợp cây ấy đang trong thời kì phát mạnh, tán lá xum xuê. Với những cây còn non yếu hay mới ra hoa đợt đầu, ta nên cắt bỏ hết các nụ hoa để ức chế, kích thích cho cây phát triển những chồi mới, giúp cây có tán lá đẹp hơn.

Muốn cây trổ hoa một lượt cho đẹp thì tất cả những cành đã phát triển đúng mức của cây (trừ tược còn non) ta ngắt bỏ đọt hết. Một thời gian sau số tược non sẽ xuất hiện cùng lúc để trổ hoa chung một lần. Thời gian chờ đợi đó khoảng ba bốn tuần, có khi lâu hơn, tùy vào mỗi giống hoa.

Phòng trừ sâu bệnh

Trong suốt mùa sinh trưởng cần quan sát cây xem có dấu hiệu sâu bệnh và côn trùng phá hoại hay không. Phát hiện và phòng trừ ngay bằng cách dùng các loại nông dược sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất. Vệ sinh tốt, bao gồm cả việc dọn lá rụng, những bộ phận bị xén tỉa và mảnh vụn khác, cũng giúp ngăn chặn bệnh lây lan.